Tín hiệu hồi phục trên thị trường bất động sản ngày càng rõ nét

Tín hiệu hồi phục trên thị trường bất động sản ngày càng rõ nét

Trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, đến nay thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực trở lại.

Thị trường rơi vào khó khăn

Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Lúc này, tình trạng người bán nhiều hơn người mua xuất hiện, theo đó giá bán cũng liên tục sụt giảm.

Thực trạng của thị trường khiến các nhà đầu tư tay ngang, sử dụng đòn bẩy tài chính không chịu được áp lực nên buộc phải bán cắt lỗ sâu, đặc biệt tại các phân khúc như đất nền, liền kề, biệt thự,… Song dù rao bán suốt thời gian dài vẫn không tìm được người mua.

Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao vào nửa cuối năm 2022 đã làm suy yếu nhu cầu mua nhà. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở bị sụt giảm do quá trình phê duyệt pháp lý diễn ra lâu do gặp phải những vướng mắc.

Cụ thể, theo báo cáo về thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48,500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán năm 2021 – thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm).

Tín hiệu hồi phục trên thị trường bất động sản ngày càng rõ nét - Ảnh 1.

Diễn biến thị trường bất động sản trầm lắng đã khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó. Nhiều doanh nghiệp tình hình tài chính khó khăn buộc phải bán bớt tài sản, cắt giảm nhân sự, tạm dừng triển khai dự án mới,…

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chỉ riêng trong quý I/2023, đã có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động với hàng nghìn lao động phải mất việc. Ước tính, số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Thị trường bất động sản đã có nhiều tín hiệu lạc quan

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 trở lại đây, hàng loạt chỉ đạo mạnh mẽ từ Thủ tướng và sự khẩn trương tháo gỡ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trở thành “trợ lực” cho thị trường bất động sản hồi phục.

Cụ thể, Nghị quyết số 33 về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó có gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản số 178 thúc đẩy thị trường bất động sản; Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”; Nghị định số 10 về “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai”;…

Tín hiệu hồi phục trên thị trường bất động sản ngày càng rõ nét - Ảnh 2.

Hiện nay, các tỉnh như TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương đang ráo riết tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường và các dự án bất động sản. Đặc biệt là sau khi Hà Nội cho phép phân lô, tách thửa trở lại, đất nền ở khu vực ngoại thành Hà Nội rục rịch giao dịch trở lại.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định: “Có thể nói sau chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cũng như của Tổ công tác, đến nay bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản”.

Ở phân khúc căn hộ, một số chủ đầu tư thời gian quan đã mạnh dạn mở bán trở lại. Lượng giao dịch ghi nhận đã bắt đầu tăng trở lại nhờ vào sức cầu của nhu cầu thực.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cũng đã công bố sẽ khởi động trở lại các dự án đã bị đình trệ trong giai đoạn khó khăn. Đơn cử, sau dự án The Grand Manhattan, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, mới đây Novaland đã công bố tái khởi động dự án Khu dân cư phức hợp Victoria Village tại TP. Thủ Đức (TP. HCM).

Đáng chú ý, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 25/5. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy 3 tháng qua NHNN giảm lãi suất điều hành. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Các dấu hiệu trên cho thấy, dường như tín hiệu tích cực đang quay trở lại với thị trường bất động sản và giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua để sẵn sàng bước vào chu kỳ hồi phục, phát triển.

Tín hiệu hồi phục trên thị trường bất động sản ngày càng rõ nét - Ảnh 3.

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, đến thời điểm này, những tín hiệu lạc quan trên thị trường bất động sản đã rõ ràng hơn khi Chính phủ, các bộ ngành tích cực ban hành những chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp về vốn và pháp lý, thúc đẩy thị trường hoạt động theo hướng minh bạch, bền vững hơn.

Cộng hưởng với những hoạt động tái cấu trúc và các giải pháp chủ động từ phía doanh nghiệp, chúng tôi tin tưởng rằng, trong quý II/2023, thanh khoản của thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ rệt hơn, tất nhiên vẫn cần thêm thời gian để thị trường quay trở lại trạng thái sôi động như trước đây.

Ông Quyết nhận định, Tôi cho rằng, giai đoạn này có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp và người mua ở thực khi các chủ đầu tư và đơn vị phân phối đang đưa ra nhiều chính sách bán hàng ưu đãi chưa từng có để kích cầu. Theo đó, những người đang dự trữ sẵn tiền mặt có thể mua được sản phẩm ưng ý với mức giá phù hợp.

Theo đánh giá của bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội, khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm việc tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn và sản phẩm phù hợp. Thị trường vẫn đang chờ đợi các vấn đề pháp lý quan trọng được thông qua từ giờ cho tới cuối năm, như Luật Nhà ở (Sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu Thầu (sửa đổi)…

Dù sẽ mất thời gian để thị trường có thể thẩm thấu, nhưng những động thái này được xem là “liều thuốc” trợ giúp minh bạch hóa nguồn gốc cũng như tăng khả năng tiếp cận vốn, để thị trường có thể kỳ vọng từ năm 2024 sẽ có thêm nguồn cung mới.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, các chính sách của Chính phủ dự kiến cần thời gian để thị trường thẩm thấu. Tâm lý nhà đầu tư đã dần tích cực và góp phần để đà phục hồi diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới.

“Diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường, góp phần định hướng nhu cầu bất động sản trở về với giá trị thực. Thị trường bất động sản sẽ đảo chiều vào năm 2024 trong điều kiện các chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục tích cực như hiện nay”, ông Quốc Anh dự báo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để “giải cứu” thị trường bất động sản

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để “giải cứu” thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ… về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân diễn ra vào ngày 24/5 vừa qua.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để “giải cứu” thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hầu hết các vướng mắc về quy trình, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, điều kiện để được mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được sửa đổi, bổ sung trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và cơ bản được tháo gỡ toàn bộ sau khi các luật này có hiệu lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương báo cáo định kỳ hằng tháng về tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN và Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Liên quan đến kết quả thực hiện gói tín dụng này, đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, về đối tượng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hiện nay có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (tại 36 địa phương) đã được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng với tổng số 85.662 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng. Các địa phương có 7 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (tại 4 địa phương) với nhu cầu vốn vay khoảng 4.130 tỷ đồng.

Ngoài các dự án trên, tỉnh Bắc Giang đã công bố 12 dự án đủ điều kiện vay vốn. Một số địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đang tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Riêng tại Hà Nội, hiện đã có hơn 4.000 căn hộ nhà ở xã hội được đưa ra thị trường và khoảng 40 dự án đang triển khai.

Trong tháng 4/2023, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ để doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vốn vay.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại; thời hạn giải ngân đến hết năm 2030.

Về nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho rằng nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc về bố trí quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạo, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội… Vì vậy, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.

Bên cạnh đó, do các văn bản hướng dẫn mới được ban hành (trong tháng 4/2023) nên các địa phương vẫn đang thực hiện lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và những đối tượng đủ điều kiện vay vốn.