Khu nhà ở tại Pháp Vân – Tứ Hiệp được khởi công xây dựng từ năm 2009, tuy nhiên đến nay nhiều tòa nhà vẫn bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp, cỏ mọc um tùm.
Hiện nay, bất cứ ai đi qua cửa ngõ phía Nam thủ đô cũng đều chứng kiến hàng loạt tòa chung cư thẳng hàng ngay sát cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (thuộc địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) bỏ hoang từ nhiều năm.
Theo tìm hiểu, đây là dự án khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp được khởi công từ năm 2009, gồm 6 hạng mục tòa nhà (A1 đến A6) với tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỉ đồng. Đến đầu 2015, tòa nhà A1, A5, A6 hoàn thành đi vào hoạt động và có sức chứa gần 11.000 học sinh, sinh viên.
Theo ghi nhận, ngoài những tòa nhà đã đưa vào sử dụng nói trên, còn lại nhiều tòa nhà đã xây xong phần thô đến nay cũng bỏ hoang suốt hơn 10 năm qua.
Đến nay, các hạng mục đều đã xuống cấp, tường trát xi măng không được bảo vệ nên đã mọc rêu, một số cánh cửa lắp dở dang bị mục, phần kim loại cũng hoen rỉ. Hạ tầng xung quanh dự án cỏ mọc um tùm, còn lại những lối đi được người dân tận dụng để các phương tiện xe ô tô…
Một số sinh viên đang ở đây cho biết, do hiện nay hạ tầng nghèo nàn, không có các dịch vụ nên buổi tối hoang vắng, không có người qua lại, khiến cho các tệ nạn xuất hiện.
Theo chia sẻ của một người bán quán ở gần khu vực, do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nên ở khu vực này chỉ có những hàng quán tự phát để bán cho những người lao động, tài xế từ nhiều tỉnh thành cũng thường xuyên dừng chân ở đây.
“Tôi bán hàng ở đây hơn chục năm rồi nhưng chưa có gì thay đổi, quá lãng phí, trong khi nhiều người không mua được nhà, thuê nhà cũng khó và đắt đỏ. Cũng vì hạ tầng kém, vắng vẻ nên ít sinh viên đến đây thuê, nếu có thì chủ yếu là những sinh viên nghèo từ các tỉnh”, người dân xót xa.
Trước đó, thông tin với báo chí Sở Xây dựng Hà Nội, cho hay, khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp là dự án do Chính phủ phê duyệt, nên muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án phải được chấp thuận từ Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết trong thời gian tới sẽ có kiến nghị với cơ quan chức năng, chủ đầu tư khắc phục những tồn tại, vướng mắc, sớm đưa toàn bộ dự án khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp vào hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, một Kiến trúc sư – chuyên gia xây dựng cho rằng, nếu những công trình bỏ hoang hàng chục năm không được cải tạo, nhất là trước đó không được hoàn thiện, thì chất lượng chắc chắn không đảm bảo cho tương lai. Bởi lẽ, hạ tầng không đồng bộ nên không còn phù hợp với quy hoạch.
“Đơn gian như bề mặt công trình không được bảo vệ bởi chất liệu chống thấm, sơn bảo vệ tường, không có cửa để tránh mưa gió, hở chỗ nào sắt thép sẽ bị ô xy hóa, hỏng hết. Nếu đưa vào sử dụng lại thì phải cải tạo, thậm chí có những hạng mục phải đầu tư lại hoàn toàn”, vị chuyên gia nhận định.
Theo Minh Ngọc
Phụ nữ số